Thuyết trình thuyết phục

Cải thiện kỹ năng thuyết trình

Các Khóa Học Thuyết trình Thuyết phục / Nhóm Kỹ năng thuyết trình


1. Cải thiện kỹ năng thuyết trình với công cụ 3V

Một nghiên cứu đến từ tổ chức Corporate Communication Expert đã chỉ ra rằng 15 giây đầu tiên là khoảng thời gian quan trọng nhất để gây ấn tượng với người nghe, và phần lớn trải nghiệm của họ trong suốt phần trình bày của bạn cũng sẽ được ảnh hưởng, chi phối bởi 15 giây này. Hãy cùng tìm hiểu gợi ý sử dụng công cụ 3V trong bài viết này để có một bài thuyết trình thuyết phục từ đầu đến cuối.

Cụ thể, công cụ 3V trong giao tiếp gồm vocal (giọng nói), visual (hình thể), và verbal (ngôn từ).

Được phát triển dựa trên mô hình giao tiếp 7:38:55 của Tiến sĩ Albert Mehrabian, công cụ 3V được cấu thành bởi các thành tố sau:

  • Vocal (giọng nói): trong cảm quan của người khác, giọng chúng ta nghe thế nào với yếu tố cao độ và ngữ điệu.
  • Visual (hình thể): cách chúng ta thể hiện mình với thế giới thông qua vẻ bề ngoài, gồm ngôn ngữ hình thể và trang phục.
  • Verbal (ngôn từ): cách chúng ta tạo dấu ấn bản thân với cách sử dụng vốn từ, gồm từ vựng và nội dung bạn truyền tải.

Áp dụng công cụ 3V để cải thiện kỹ năng giao tiếp

Sự thống nhất và phối hợp hài hòa của 3 yếu tố trên sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp nói chung hoặc thuyết trình nói riêng, cho bạn cơ hội mang đến thông điệp chính xác mà bạn muốn gửi gắm, và cũng để người nghe có thể hình dung rõ nét hơn về điều bạn muốn chia sẻ.


2. Làm sao để cải thiện giọng nói khi thuyết trình?

Theo một nghiên cứu của trường Đại học California, trong một bài thuyết trình, có tới 36% thông điệp được truyền tải hiệu quả qua giọng nói (vocal). Giống như việc học nhạc cụ, bạn cũng có thể rèn luyện giọng nói của mình để tăng tính thuyết phục trong bất cứ bài phát biểu hay cuộc hội thoại nào. Linh chia sẻ với bạn 3 mẹo để cải thiện yếu tố này:

a. Chú ý tới tốc độ nói và âm lượng

Thật dễ dàng khi bạn muốn đọc lại một câu hoặc đoạn văn trong một cuốn sách. Tuy nhiên, trong một bài thuyết trình trực tiếp, người nghe không thể muốn nghe lại lúc nào cũng được. Ở vị trí là người thuyết trình, bạn cần duy trì tốc độ nói vừa phải, cho phép người nghe có thời gian tiếp thu nội dung. Khi bạn giảm tốc độ nói, giọng nói của bạn sẽ mang nhiều năng lượng và trở nên đáng tin cậy hơn.

Một giọng nói toát lên sự tự tin sẽ khiến lời nói của bạn có sức nặng đối với người nghe. Ngược lại, khi bạn nói quá nhanh với một âm vực lớn, bạn khiến người nghe khó theo dõi, làm giảm sự thuyết phục trong bài thuyết trình của mình.

Ngoài ra, hãy luôn chú ý tới âm lượng khi thuyết trình. Để xác định chính xác âm lượng bạn nói đã phù hợp chưa, bạn có thể tải ứng dụng Sound Meter để đo lường. Âm lượng tốt nhất khi nói chuyện với bạn bè là 55-60 dB, trong phòng họp là 70 - 75 dB và trên sân khấu là 75 - 80 dB.

Sử dụng Sound Meter để đo lường âm lượng khi thuyết trình

b. Tập trung vào những quãng nghỉ

Mark Twain đã từng nói: “Sử dụng từ ngữ đúng mang lại hiệu quả nhưng không có từ ngữ nào có sức nặng bằng việc ngừng nghỉ đúng lúc”. Theo nghiên cứu của trường Đại học Colombia, những quãng nghỉ được coi là một phần tự nhiên trong bất kỳ cuộc hội thoại nào. Trong những bài thuyết trình trước đám đông, chúng khiến bài thuyết trình trở nên đáng tin cậy hơn.

Tuy nhiên, lạm dụng việc ngừng nghỉ trong bài thuyết trình sẽ mang tới tác dụng ngược. Bạn có thể dừng lại khi cung cấp một khối lượng thông tin lớn và quan trọng cho người nghe, khi muốn đặt câu hỏi, chuyển slide hay muốn người nghe trở nên tò mò và chú ý hơn.

c. Tập các bài luyện giọng và ghi âm

Giọng nói giống như các cơ bắp trên cơ thể. Như là một kỹ năng, nếu được rèn luyện thường xuyên, chúng sẽ trở nên săn chắc và khoẻ mạnh hơn. Thực tế, nhiều người có giọng nói yếu đã trở thành những người thuyết trình đầy tự tin với giọng nói to, khỏe nhờ nỗ lực rèn luyện. Một bài tập bạn có thể tham khảo là ghi nhớ một bài thơ, đoạn văn, và hãy đọc to nó khi bạn ở một mình, khi đứng trước gương, hay khi đi bộ tập thể dục.

Đừng quên ghi âm lại tất cả những bài tập luyện giọng và nghe lại chúng. Bằng cách đó, bạn có thể phát hiện ra những lỗi sai, điểm yếu, điểm mạnh của bản thân và tiếp tục cải thiện trong những lần luyện giọng tiếp theo.

Dù bạn có trở thành một nhà thuyết trình tài ba hay không, chắc chắn việc luyện tập giọng nói sẽ trở nên hữu ích với bạn trong bất kì tình huống nào, cả trong cuộc sống và công việc. Hãy thường xuyên luyện giọng để luôn tự tin và thành công trình bày ý tưởng, trong các cuộc trò chuyện thường ngày hay thuyết phục người nghe nhé!

Bạn có thể xem thêm về cách luyện tập với AI để được phản hồi và cải thiện cách trình bày trong video dưới đây: 


3. 3 lưu ý về ngôn ngữ hình thể khi thuyết trình

Yếu tố này bao gồm cả ánh mắt, nét mặt, đến cử chỉ của bạn. Việc trở nên thuần thục với tất cả những kỹ năng quản lý ngôn ngữ hình thể có thể sẽ tốn nhiều năm, song trong khuôn khổ một buổi thuyết trình, bạn có thể lưu ý một vài điểm sau:

a. Ánh mắt

Để ánh mắt bạn trông tươi tắn hơn, hãy tưởng tượng bạn đang mỉm cười nhẹ để chân mắt của bạn được hướng lên phía trên như khi bạn cười. Cách này sẽ giúp ánh mắt và khuôn mặt bạn trông vui vẻ hơn.

Hãy mỉm cười để ánh mắt trông tươi tắn hơn

b. Cử chỉ tay

Bạn có thể cầm một vật dụng bất kì để cử chỉ tay bạn trông tự nhiên hơn khi nói. Tuy nhiên, nếu bạn không kịp chuẩn bị và cầm bất kì món đồ nào, hạn chế khoanh tay trước ngực hay đặt 2 tay sau lưng vì chúng sẽ tạo cảm giác rằng bạn đang không thoải mái. Thay vào đó, bạn có thể thả lỏng 2 tay tự nhiên, hoặc làm cử chỉ bàn tay mở khi nói chuyện để tạo cảm giác thân thiện với người nghe.

Cầm một vật dụng bất kì để cử chỉ tay tự nhiên hơn

c. Dáng đứng

Để ngay lập tức thể hiện sự tự tin, hãy cố gắng đứng thẳng lưng. Lúc này, lồng ngực bạn sẽ mở ra và cằm sẽ tự nhiên hướng về phía trước, tạo cho chính bạn cảm giác tự tin hơn, và đối phương cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Để làm điều này, hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng kéo 2 vai đụng nhau tại một điểm sau lưng. Khi thực hành thao tác này, bạn sẽ cảm nhận lưng mình thẳng tại một biên độ tự nhiên hơn.

Tập đứng thẳng lưng để thể hiện sự tự tin


4. Làm sao để cải thiện bài thuyết trình của bạn?

a. Nghỉ ngơi 1-2 ngày trước khi xem lại bài thuyết trình

Sau khi bạn dành nhiều giờ liên tục để hoàn thiện bài thuyết trình của mình, việc đánh giá lại bài lúc này dường như sẽ không hiệu quả bởi não bộ đã bắt đầu mệt mỏi, không còn tập trung vào từng chi tiết, và sẽ rất dễ bỏ sót lỗi. Do đó, sau khi hoàn thành phần trình bày của mình, hãy dành ra 1-2 ngày nghỉ ngơi trước khi hiệu đính, chỉnh sửa lần cuối. Để làm được việc này bạn sẽ cần tính ngược lại thời gian cần hoàn thành theo gợi ý sau:

Hãy dành ra 1-2 ngày nghỉ ngơi trước khi hiệu đính, chỉnh sửa lần cuối

b. Tham khảo nhận xét từ những người xung quanh

Để có cái nhìn khách quan từ người khác, hãy trình bày sơ lược phần trình bày của bạn, hoặc trình bày những điểm quan trọng bạn muốn nhấn mạnh đến những người trong mối quan hệ. Cụ thể, bạn nên thuyết trình cho:

  • Những người có cùng chuyên môn: từ góc độ kiến thức và chuyên môn, hãy nhận đánh giá từ những cá nhân có chuyên môn trong hoặc ở lĩnh vực tương tự mà bạn sắp thuyết trình. Họ sẽ cho bạn biết đâu là những thông tin tốt, hoặc cần chỉnh sửa.
  • Những người tham dự ngẫu nhiên: từ góc độ này, họ có thể cho bạn nhận xét về cách trình bày slide, tính hấp dẫn của bài với vai trò người nghe tự do. Từ đó bạn có thể có cái nhìn khách quan hơn về phần trình bày của mình.

c. Lập kế hoạch cải thiện cho bản thân

Sau khi kết thúc phần trình bày của mình, hãy dành thời gian phản tư và đánh giá lại phần thuyết trình và trả lời câu hỏi:

  • “Mình đã làm gì tốt?”
  • “Mình có thể làm gì tốt hơn?”

Với câu trả lời cho câu hỏi thứ 2, hãy chọn ra từng giai đoạn cải thiện và chọn cải thiện 1 yếu tố tại một thời điểm. Việc yêu cầu bản thân phải tiến bộ trong quá nhiều kỹ năng sẽ khiến bạn dễ chán nản và bỏ cuộc nhanh hơn. Do đó, hãy sử dụng công cụ SMART sau đây để đặt mục tiêu cải thiện cho mình:

Sử dụng công cụ SMART để đặt mục tiêu cải thiện

Ví dụ: Tôi muốn trong vòng 2 tháng tiếp theo sẽ thành công luyện tập được cách nói chậm rãi khi thuyết trình, với tốc độ hoàn thành 215-220 từ trong 1 phút.