Thuyết trình thuyết phục

Hiểu và phân tích khán giả


1. Hiểu về khán giả của bạn để thuyết trình tốt hơn

Trừ khi bạn quyết định tự thuyết trình trước gương, hoặc chọn nhà tắm là sân khấu, các buổi thuyết trình trước công chúng đều cần khán giả, những người sẽ quyết định kể với người khác về một trải nghiệm tuyệt vời họ vừa có, hoặc bàn tán về một bài trình bày có lẽ đã có thể tốt hơn. Do vậy, hiểu về người nghe và đặt họ làm trung tâm của bài thuyết trình là một nhiệm vụ quan trọng, giúp bạn thiết kế mục tiêu trình bày phù hợp hơn, và phát triển phần trình bày của mình một cách có trọng tâm và chiều sâu hơn.

Hiểu về khán giả để thuyết trình tốt hơn


2. Các yếu tố giúp bạn hiểu rõ hơn về khán giả

a. Hiểu biết của họ về chủ đề của bạn

Giả sử bạn muốn nói về blockchain, một từ khóa nổi cộm trong những năm trở lại đây, và khán giả của bạn có thể đều đã từng nghe qua từ khóa này. Song, từng nghe qua và có kiến thức là hai thái cực khá cách xa nhau. Nếu bạn biết được khán giả tham gia hôm nay toàn bộ đều chưa từng nghe đến, hoặc đã biết về blockchain, sẽ không khó để bạn chọn được mức độ thông tin cần truyền đạt. Song, nếu chúng ta thuyết trình đến đại chúng và không biết mỗi nhóm có bao nhiêu người? Thì lúc này nhiệm vụ của chúng ta là trình bày tại một mức độ là điểm giao thoa ở các tầng hiểu biết.

b. Độ tuổi, trình độ học vấn

Theo Oxford Academic, về độ tuổi, bạn có thể chia cách tiếp cận của mình theo các nhóm tuổi sau: thanh niên (từ 18-25 tuổi), người lớn (từ 26-44 tuổi), trung niên (từ 45-59 tuổi), và người cao tuổi (trên 60 tuổi).

Tương tự với độ tuổi, trình độ học vấn của người nghe có thể là một yếu tố bạn có thể quan tâm. Cũng như độ tuổi, các cá nhân có trình độ học vấn khác nhau cũng sẽ yêu cầu những cách tiếp cận khác nhau. Nếu khán giả của bạn có học vị từ Thạc sĩ trở lên, hãy đảm bảo rằng các thông tin bạn cung cấp đều có dẫn chứng khoa học cụ thể với các số liệu được nghiên cứu và công bố bởi các đơn vị có uy tín. Nếu khán giả của bạn là tú tài hoặc cử nhân, họ sẽ không quá khắt khe với bạn về khả năng xác tín của các số liệu bạn cung cấp, song gửi đến họ những thông tin có cơ sở vẫn là một yêu cầu bắt buộc.

c. Số lượng người tham gia

Để có thể khiến 10 người cùng dõi theo bài thuyết trình của bạn ắt hẳn sẽ rất khác với 100 người. Việc nắm rõ được số lượng người sẽ tham gia buổi thuyết trình sẽ giúp bạn chuẩn bị tốt hơn ở phần thiết kế hoạt động tương tác. Dù bạn có dự định tổ chức hoạt động thế nào, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo các cá nhân đều được tham gia ít nhất 1 hoạt động trong ngày (nếu có). Bên cạnh đó, số lượng người tham gia cũng sẽ ảnh hưởng đến độ lớn nhỏ của khán phòng được chọn, và yếu tố về mặt không gian này sẽ khiến bạn muốn điều chỉnh bài thuyết trình sao cho người ngồi xa nhất cũng có thể thấy được bản trình chiếu của bạn.


3. Phân loại 4 nhóm khán giả khác nhau

Theo tác giả Devasree của chuyên trang SlideBazaar, những người tham dự các bài thuyết trình của chúng ta thường có thể thuộc 1 trong 4 nhóm sau:

4 nhóm khán giả tham gia thuyết trình thường gặp

a. Nhóm đối lập

Đây là những khán giả có tính cá nhân cao, họ thường có xu hướng phản đối những gì bạn chia sẻ nếu chúng khác với những gì họ đã biết trước đó. Do vậy mà họ sẽ thường ít mở lòng đón nhận những kiến thức, quan điểm mới. Song, đừng lo lắng nếu họ có mặt trong buổi thuyết trình của bạn.

Để có thể làm chủ được tình thế với nhóm khán giả đối lập, hãy lắng nghe những chia sẻ của họ với tâm thế cởi mở, và không đặt mong muốn tranh luận làm trọng tâm. Khi nhóm khán giả đối lập chia sẻ, hãy ghi nhận những gì họ nói, cho họ sự công nhận rằng những gì họ nói được lắng nghe. Song, tránh phóng đại hoặc dành nhiều thời gian để bàn luận về những gì họ nói bởi chúng sẽ dễ tạo cơ hội cho những tranh luận không đáng có. Hãy kết thúc những lập luận của bạn một cách ngắn gọn và rõ ràng khi trao đổi với nhóm khán giả này.

b. Nhóm thân thiện

Như tên gọi của họ, nhóm khán giả thân thiện mang đến cho bạn cảm giác thoải mái, luôn lắng nghe bài trình bày của bạn với tâm thế ủng hộ và sẽ hạn chế khiêu khích những gì bạn nói. Xuyên suốt bài trình bày, bạn có thể nhìn về hướng họ và nhận được những năng lượng tích cực, dễ chịu từ nhóm khán giả này.

Sự tận tụy và đơn giản nhất để thuyết phục nhóm khán giả thân thiện chính là sự tử tế. Không cần quá nhiều thủ thuật để có thể “thu phục” tâm tư của họ, hãy dành cho họ sự thân thiện như cách họ dành cho bài thuyết trình của bạn. Mỉm cười và cảm ơn những chia sẻ của họ cũng đủ để họ tiếp tục dành năng lượng tích này đến bạn.

c. Nhóm thờ ơ

Khác với nhóm đối lập, nhóm người thờ ơ lại không mấy quan tâm đến phần trình bày của bạn, sự có mặt của họ không đóng góp quá nhiều vào những tranh luận, và thật ra họ cũng không quan tâm đến việc thảo luận các nội dung này. Tuy nhiên, đây có thể xem là một điểm bất lợi cho bạn khi khán giả không để tâm đến những gì bạn trình bày, và bạn có thể cũng cần nhiều tâm tư hơn để khiến họ quan tâm đến những gì bạn nói.

Để thu hút được sự quan tâm của nhóm thờ ơ, hãy thiết kế bài trình bày của bạn với những hoạt động yêu cầu sự tham gia của tập thể như một câu hỏi dành cho cả hội trường, hay những hoạt động thể chất tại chỗ mà tất cả người nghe đều phải tham dự. Hãy giúp họ thật sự trở thành một phần của bài trình bày, và kiên nhẫn có được sự tham gia của họ thông qua các hoạt động của bạn.

d. Nhóm thiếu thông tin

Đây là những cá nhân tham dự bài thuyết trình với mong muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, do đó họ có thể có rất ít hoặc không có kiến thức về những gì bạn sắp chia sẻ. Song, những gì bạn sắp trình bày có thể là những nội dung mới mẻ với họ, hoặc cũng có thể là cơ sở để họ so sánh với những gì họ đã biết trước đó. Nhưng dù thế, họ cũng sẽ không khiến bạn bối rối như nhóm đối lập, và cũng không mong muốn tranh luận với bạn về những gì họ được lĩnh hội hôm nay.

Để gắn kết hơn với những khán giả thuộc nhóm thiếu thông tin, hãy chú trọng đến nhịp theo dõi bài của họ bằng cách đặt ra những khoảng dừng giữa các phần, hỏi thăm khán giả về tiến độ bạn trình bày, và quan sát trong khán giả của mình những nét mặt ngơ ngác để hỗ trợ họ tốt hơn.